Giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng sau khi vượt 90 USD/thùng từ đầu tháng 2. Ngày 21/2, tuy đã giảm nhưng giá dầu thô WTI vẫn ở mức cao 91,14 USD/thùng. Giới chuyên gia nhận định, căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa được hóa giải thì thị trường hàng hóa thế giới sẽ tiếp tục biến động, trong đó có giá dầu.
Và khi giá dầu thế giới tăng mạnh, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ chịu tác động lớn vì xăng dầu của Việt Nam còn phải "cõng” các khoản thuế, phí, khiến giá càng bị đội lên cao. Nếu tính mức giá xăng RON95 ở 25.322 đồng/lít thì tính chung các khoản thuế, phí đã lên tới hơn 11.000 đồng/lít, chiếm gần 50%.
Giá dầu thế giới tăng, xăng trong nước nặng gánh
Giá dầu thô thế giới những ngày qua tăng mạnh do lo lắng gia tăng về mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Ngoài ra, nhu cầu đi lại trên toàn cầu cũng tăng cao sau khi bỏ phong tỏa, địa chính trị tại các nước sản xuất dầu lớn ở Trung Đông... khiến nguồn cung "vàng đen" khan hiếm, đẩy giá lên cao. Nhiều ý kiến tin rằng, giá dầu thế giới có thể sớm vượt 100 USD/thùng.
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam - cho rằng, giá xăng dầu trên thế giới cao đã tác động trực tiếp đến giá xăng dầu của Việt Nam. Vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu (chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế). Việc giá dầu thế giới trên đà tăng không ngừng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, thúc giá xăng trong nước tăng.
Hiện giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 10 ngày/lần. Cơ quan điều hành sẽ dựa trên mức giá của nguyên vật liệu nhập khẩu để làm cơ sở công bố giá bán lẻ. Vì thế, mỗi khi giá thế giới tăng mạnh, giá trong nước gần như chắc chắn sẽ bị kéo lên.
Trong khi đó, giá dầu thế giới cao khiến các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như đại lý bán lẻ than thua lỗ nặng, nhiều nơi thậm chí không mặn mà việc bán hàng. Đây cũng là áp lực lớn khiến liên bộ Tài chính - Công Thương phải mạnh tay tăng giá xăng, mỗi khi giá thế giới biến động.
Không chỉ cao theo giá thế giới, xăng dầu của Việt Nam còn phải "cõng” các khoản thuế, phí, khiến giá càng bị đội lên cao. Nếu tính mức giá xăng RON95 ở 25.322 đồng/lít thì tính chung các khoản chi phí đã lên tới hơn 11.000 đồng/lít, chiếm gần 50%.
"Như vậy có thể nói, giá dầu thô trên thế giới tăng lên 1 lần thì giá bán lẻ ở Việt Nam tăng gấp đôi vì phải tính thêm các loại thuế, phí", ông Điều nói.
Tuy nhiên, trả lời kiến nghị của cử tri huyện Phú Xuyên (Hà Nội) liên quan đề nghị nghiên cứu điều chỉnh các loại thuế và phí cho phù hợp để giảm giá xăng dầu, góp phần giảm bớt khó khăn cho nhân dân, Bộ Tài chính cho biết, các sắc thuế hiện áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường (không thu phí, lệ phí đối với xăng dầu) đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam.
So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45-60% (ngoại trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với nước ta, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%…
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng khẳng định, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng thấp hơn mức tăng giá trên thị trường thế giới. Cụ thể, từ cuối tháng 11/2021 đến nay, liên Bộ đã 7 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước để phù hợp với diễn biến giá xăng dầu trên thế giới (bao gồm điều chỉnh giảm và điều chỉnh tăng).
Lo ngại hàng hóa, dịch vụ "tát nước theo mưa"
Giá xăng dầu tăng cao được cho là ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và tác động trực tiếp đến nền kinh tế.
Đầu tiên là lĩnh vực vận tải sử dụng xăng, dầu làm nguyên nhiên liệu đầu vào. Hàng loạt doanh nghiệp vận tải mới đây đã phải điều chỉnh giá cước. Đại diện một nhà xe chuyên chạy tuyến Ninh Bình - Hà Nội xác nhận đã chủ động tăng giá vé để cân đối thu chi do giá đầu vào nhiên liệu tăng quá mạnh. "Nếu không điều chỉnh giá vé, tôi khẳng định không nhà xe nào chịu nổi, có chăng là cắt giảm số lượng hoạt động hoặc chạy cầm chừng vì khách đi lại đã giảm rất nhiều", vị này nói.
Không chỉ doanh nghiệp vận tải mà nhiều doanh nghiệp sản xuất và người dân đánh bắt thủy hải sản cũng rơi vào tình cảnh khó khăn vì "cơn bão" giá xăng dầu. "Càng đi đánh bắt càng thua lỗ cao do giá dầu đắt đỏ nên tôi và nhiều gia đình khác không dám cho tàu ra khơi vào thời điểm này", một ngư dân ở Hậu Lộc, Thanh Hóa chia sẻ.
Không chỉ dịch vụ vận tải, nhiều hàng hóa thiết yếu khác cũng đang có dấu hiệu tăng, với lý do giá xăng dầu cao, khiến cước vận chuyển tăng.
Bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam cho biết, đơn vị hiện đang đầu tư, kinh doanh tại 266 chợ truyền thống trên cả nước nên việc sử dụng nhiên liệu để vận chuyển hàng hóa rất nhiều và thường xuyên.
Điều đáng nói là, ngoài những đơn vị, tổ chức chịu sức ép thật từ giá xăng dầu thì vẫn có không ít nơi "tát nước theo mưa", gây rối loạn thị trường, khiến cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
Hệ lụy của sự tăng giá đồng loạt nhiều loại hàng hóa sẽ đẩy nền kinh tế đối mặt với áp lực lạm phát, trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và trên đà phục hồi kinh tế sau thời gian ảnh hưởng từ dịch bệnh.
"Giá xăng dầu tăng trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá hàng hoá tăng quá cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế", ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê (GSO) phân tích.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá, chính sách thuế đang triển khai, nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát. Điều này dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.
Giá xăng tăng lần thứ 5 liên tiếp, vượt đỉnh lịch sử
Từ chiều 21/2, giá mỗi lít xăng E5 tăng 961 đồng, xăng RON95 tăng 965 đồng và giá các loại dầu tăng gần 1.000 đồng/lít, kg.
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 lên 25.532 đồng/lít, tăng 961 đồng/lít so với giá hiện hành; xăng RON95 lên 26.287 đồng/lít, tăng 965 đồng/lít.
Với mức tăng này, giá xăng RON95 vượt mức "đỉnh" vào tháng 7/2014 (26.140 đồng một lít) Trong khi đó, giá E5 RON92 chỉ thấp hơn mức "đỉnh" thời điểm này khoảng 110 đồng một lít.
Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng tăng khá mạnh. Theo đó, dầu diesel lên 20.801 đồng/lít, tăng 936 đồng/lít; dầu hỏa lên 19.509 đồng/lít; dầu mazut lên 17.932 đồng/kg, tăng 273 đồng/kg.
Bình luận